Khi từng mũi thêu được tính bằng... USD
Nếu thêu tay (dựa theo hình vẽ trực tiếp trên vải), người thợ dù rất lành nghề cũng sẽ khó tạo ra sản phẩm thứ hai hoàn toàn giống sản phẩm thứ nhất. Vì vậy, chưa kể đến yếu tố tốc độ, phương thức thêu tay dĩ nhiên chịu... bó tay với trường hợp khách hàng cần những đơn hàng lớn từ hàng chục ngàn, hay vài trăm ngàn sản phẩm giống nhau.
Để có thể sản xuất theo kiểu công nghiệp, thoạt đầu người ta áp dụng nguyên tắc điều khiển quá trình thêu bằng bìa đục lỗ (như dệt Jacquard, dùng khung dịch chuyển theo toạ độ hai chiều x, y). Tuy vậy, để nâng cao tốc độ, vào khoảng năm 1984 đã ra đời các máy thêu tự động đầu tiên có sự hỗ trợ của phần mềm thiết kế mẫu thêu (CAD) gắn với máy thêu theo chương trình máy tính điều khiển (CAM).
Nhờ vậy, chỉ cần tạo ra mẫu đẹp một lần duy nhất trên máy tính rồi xuất dữ liệu theo định dạng (format) riêng của từng hãng, đưa vào máy thêu để điều khiển thêu hàng loạt sản phẩm với vẻ đẹp hệt nhau. Format phổ biến nhất là của Tajima, song dần dần việc chuyển đổi giữa các format của các nhà sản xuất máy thêu tự động khác nhau đã không còn là vấn đề (thậm chí ngày càng có nhiều phần mềm chuyển đổi format thêu được phổ biến miễn phí trên internet).
Máy thêu tự động nhập vào Việt Nam từ năm 1990, tuy được gọi nôm na là 'thêu vi tính' song hoàn toàn chưa có hệ thống thiết kế mẫu thêu kèm theo. Mẫu thêu lúc đó vẫn do khách hàng cung cấp, cùng với đĩa mềm dữ liệu hay punching tape (băng đục lỗ nhị phân) đi kèm. Sau đó, các hãng lớn Tajima, Barudan mới tiếp thị các hệ thống thiết kế của họ tại Việt Nam. Trong khi giá máy thêu tự động (CAM) khoảng 80.000-100.000 USD/máy (một số nhà kinh doanh như Tajima còn cho phép mua trả chậm), thì giá một hệ thống thiết kế mẫu thêu (CAD, bán riêng với máy thêu) cũng vào khoảng 40.000-60.000 USD.
Mặc dù vậy, bốn năm sau - 1994, giới sản xuất - kinh doanh hàng thêu tư nhân ở TP.HCM bắt đầu đổ xô vào đầu tư các máy thêu tự động do khả năng thu hồi vốn chỉ trong... hai năm. Họ ăn nên làm ra nhờ mẫu 'thêu vi tính' hồi đó rất đắt, thậm chí giá trị mũi thêu được tính bằng USD!
Liệu người Việt Nam có thể tự thiết kế lấy phần mềm thiết kế mẫu thêu để hỗ trợ các doanh nghiệp thêu với vốn đầu tư không cần nhiều? Câu hỏi ấy hẳn đã được không ít dân lập trình đặt ra, song lời giải lại đến từ một... kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Đó là anh Hồng Khắc Ái Nhân.
Có một phần mềm đã thành 'quá khứ'...
Sau gần ba tháng mày mò nghiên cứu, chàng kỹ sư này đã giải mã được toàn bộ format thêu của Tajima để tìm hiểu. Tiếp theo, anh viết phần mềm thiết kế mẫu thêu của riêng mình, sử dụng AutoCAD để tận dụng hết các chức năng đồ hoạ của nó, và dùng AutoFlip để hình thành cơ sở dữ liệu bên trong. Phần mềm của anh là 'độc lập', nhưng phải chạy trên nền AutoCAD trong môi trường DOS, cho phép thiết kế được các mẫu thêu bình thường. Như vậy đã là... quá đủ giữa cơn sốt 'thêu vi tính' lúc đó. Đặc biệt, giá phần mềm ấy chỉ khoảng 2.000-2.500 USD, so với mức 40.000-60.000 USD của phần mềm nước ngoài, nên chẳng cần quảng cáo mà hàng loạt những doanh nghiệp tư nhân đã đặt mua ngay, thậm chí mua nóng sốt từ lúc nó còn chưa hoàn chỉnh!
'Nhờ có các khách hàng 'tiên phong' mua về dùng liền và phát hiện những 'trục trặc' để góp ý, nhờ chỉnh sửa nên đến năm 1996, tôi đã hoàn chỉnh phần mềm thêu của mình. Thế nhưng bên ngoài thị trường, cũng vào năm này máy thêu tự động lại càng trở nên phổ biến, khiến cho một số người quan tâm bẻ khoá phần mềm của tôi để bán lại với giá chỉ 500-1.000 USD' - kỹ sư Ái Nhân kể. Theo anh, càng về sau, giới thêu trong cả nước gần như đều quen sử dụng phần mềm ấy, còn giá bán bản bẻ khoá nay chỉ bằng một... chầu nhậu.
'Nếu bắt gặp những bản phần mềm thêu của Việt Nam dùng tiếng Việt không dấu, hãy còn chạy với AutoCAD trên nền DOS thì đó chính là phần mềm quá khứ của tôi đấy.' - anh cười - 'Dù sao, cũng mừng vì nó vẫn còn đất sống nơi nhiều doanh nghiệp thêu tư nhân cỡ thường thường bậc trung trong... chuyện 'thêu vi tính' của họ'.
Xuất khẩu phần mềm ra cả thế giới, nhưng...
|
Cũng nhờ phần mềm thêu của anh Ái Nhân mà từ năm 1998, các phần mềm thêu của nước ngoài đổ vào Việt Nam đã phải giảm giá rất nhiều so với các thị trường khác. Từ 40.000 USD giảm xuống còn 20.000 USD, sau đó thậm chí họ đưa ra phương án dùng phiên bản 'vừa phải' chỉ có 8.000 USD, và gần đây nhất là phiên bản chỉ 6.000 USD 'ưu tiên' cho thị trường Việt Nam. Thậm chí đã có một số (chưa rõ là người nước ngoài hay Việt Nam) bẻ cả khoá cứng của phần mềm Tajima để bán khoảng 2.500-4.000 USD/bản.
Tình hình đó đã dẫn anh Ái Nhân đến một quyết định mới: Cần phát triển phần mềm của mình để chạy trên nền Windows, mang các tính năng hiện đại như của phần mềm nước ngoài. Đặc biệt, anh cũng đã nhận ra: để vừa có thể... xuất khẩu phần mềm thêu của mình, vừa chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập phải tôn trọng bản quyền phần mềm các nước thì không nên tiếp tục dùng AutoCAD (không có bản quyền!) mà phải tự viết lấy tất cả các lệnh đồ họa. Việc ấy, anh đã phải bỏ ra cả năm 2000 để tạo được phần mã nguồn riêng (khoảng 2MB). Và phần mềm 'NP-Embroidery 2000' ra đời cũng trong thời gian này, dùng... hình học giải tích rất nhiều và được viết theo hướng đối tượng, dạng vectơ hóa (không phải đồ hoạ bitmap).
|
Dĩ nhiên, giao diện Windows giúp cho phần mềm này... dễ nhìn và tiện dụng hơn so với 'phần mềm quá khứ' chạy trên DOS. 'NP-Embroidery 2000' xử lý các mẫu nhập vào máy tính theo phương pháp scan (quét) ảnh dạng JPG, BMP...: cho phép thay đổi mật độ số mũi (trước đây không làm được trên nền DOS); xác định mũi thêu theo chế độ thêu tự nhiên hay tự động; thiết kế mũi bất kỳ thành mẫu (pattern) để tạo thành mũi thêu riêng độc đáo (chức năng này các phần mềm khác chưa có được). Thậm chí, với đầy đủ các tính năng đồ hoạ (vectơ hoá), 'NP-Embroidery 2000' còn tạo khả năng cho người sử dụng tự thiết kế bộ chữ riêng của mình (font chữ Việt, Thái, Lào, Campuchia... dựa theo hỗ trợ Unicode có sẵn trong hệ điều hành của Windows) thành các mẫu thêu. Phần mềm cho phép cắt chỉ, đổi màu, xuất dữ liệu ra các loại format khác nhau cho máy thêu Tajima, máy thêu Brother...
Nhờ vậy, hiện nay phần mềm mới này của anh đã được bán khắp Thái Lan, Lào, Campuchia... theo phương thức bundle software (nhà kinh doanh máy thêu mua phần mềm này để 'biếu' kèm với máy của họ, với điều kiện tác giả không công bố tên tuổi ngay trong phần mềm của mình). Bên cạnh đó, anh cũng đang tích cực xúc tiến để triển khai bán phần mềm trực tiếp qua internet cho cả thế giới.
Thế nhưng trong khi đó, 'NP-Embroidery 2000' vẫn chưa có mặt ở thị trường... Việt Nam! 'Bởi cho dù có dùng khoá cứng thì chỉ cần đưa ra thị trường trong nước chừng 3 tháng là thế nào cũng sẽ bị bẻ khoá để sao chép bất hợp pháp' - anh giải thích - 'Quả tình, cái khó ở thị trường nước mình là tâm lý người tiêu dùng vẫn chưa tôn trọng bản quyền phần mềm. Tuy vậy, thế nào rồi cũng có lúc tôi sẽ bán phần mềm này ở Việt Nam với giá dự kiến không quá 500 USD, hướng tới các doanh nghiệp mới khởi nghiệp trong ngành thêu...'.
Máy thêu công nghiệp 'made in VN' và... bài toán cơ khí
|
Thành công trong thiết kế phần mềm thêu cũng hướng anh Ái Nhân đến một mục tiêu mới: Khi đã nắm vững công nghệ thêu, vì sao không thử chế tạo máy thêu Việt Nam?
Hiện nay, máy thêu công nghiệp phổ biến nhất ở Việt Nam là loại 20 đầu (thêu cùng lúc 20 mẫu y nhau), có giá trung bình khoảng 80.000-120.000 USD tuỳ khổ, tuỳ hãng. Ước tính một đầu máy thêu công nghiệp khoảng 14.000-16.000 USD.
'Nếu tập trung thiết kế, chế tạo và sản xuất loại máy thêu công nghiệp chỉ có từ 1 đến 4 đầu, có chất lượng tương đương song giá rẻ hơn khoảng 50% so với máy nước ngoài, chắc chắn có thể mở được cửa thị trường nhắm vào các nhà kinh doanh - sản xuất may thêu cỡ nhỏ, các tiệm may và cả các... nhà thiết kế thời trang' - anh nghĩ. Bởi những đối tượng ấy chỉ cần sản xuất những lô hàng nhỏ (hàng chợ, hay lô hàng thời trang). Nếu có máy thêu công nghiệp Việt Nam (ít đầu), họ có thể tự thiết kế và tổ chức thêu ngay tại nhà hay cửa hiệu, vừa chủ động và cũng đỡ tốn kém, lại có thể... bảo mật được mẫu 'độc' của mình, không sợ 'đụng hàng'. Hơn nữa, loại máy thêu công nghiệp 4 đầu của Việt Nam chắc chắn cũng dễ được các công ty lớn chào đón, nhờ tiện dụng hơn việc phải dùng máy thêu đến 20 đầu trong Phòng Thiết Kế để tạo mẫu thêu chỉ cần ít bản cho khách hàng...
Thế là anh lại lao vào cuộc nghiên cứu làm thử máy thêu đầu tiên của Việt Nam: nghiên cứu tận dụng khả năng giao tiếp tối đa của máy tính để lập trình phần điều khiển máy, và cả nghiên cứu tạo ra bản vẽ chi tiết của máy.
Một ngày làm việc bình thường của anh lúc nào cũng bắt đầu từ 3g sáng, để đến 7g30 thì lên công ty (anh hiện là giám đốc Ban Thiết Bị của công ty Dệt May Thành Công), đến tối về nhà ngủ từ khoảng 21-22g. Đến 3g sáng, lại thức dậy vật lộn với công trình nghiên cứu của mình. Bình thường là vậy, song những khi lập trình chưa xong thì thức suốt đêm cũng là 'bình thường'. Đây cũng là dịp để anh trở lại với cái 'gốc' kỹ sư chế tạo máy của mình: nhiều đêm cũng thức trắng để cưa, đục, đẽo... trong nỗi hứng thú sáng tạo đầy... chất cơ khí. Cùng với sự hỗ trợ của một người bạn thân trong những vấn đề liên quan đến điện tử, cuối cùng cỗ máy thêu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam cũng ra đời trong năm 2002 này.
'Việc nghiên cứu chế tạo của tôi chứng tỏ một điều: chúng ta hoàn toàn có khả năng giải quyết đầy đủ tất cả các chi tiết của máy thêu công nghiệp nước ngoài, vì máy thêu một đầu - nhiều đầu hay một màu - nhiều màu chỉ cũng vẫn theo nguyên tắc điều khiển giống nhau' - anh tâm sự - 'Hiện nay, khó nhất với chúng tôi là phải giải... bài toán cơ khí như thế nào, do khả năng cơ khí của Việt Nam còn khá hạn chế. Việc đưa bản vẽ chi tiết vào chế tạo máy sẽ là không đơn giản, đòi hỏi chúng tôi phải đi tìm các nhà chế tạo cơ khí có năng lực và chịu đầu tư vào khuôn mẫu (đúc khuôn và các chi tiết phụ tùng). Họ đòi hỏi phải đảm bảo khuôn mẫu mới có số lượng nhiều (vài ngàn bộ mỗi năm), trong khi nhu cầu thị trường lại chưa chắc chắn lắm...'.
Thổi hồn Việt Nam vào máy...
Anh đã tìm và anh đã gặp? - chúng tôi hỏi.
'Chưa!' - anh Ái Nhân thở ra.
Và anh bật mí: 'Nếu không tìm thấy một nhà chế tạo cơ khí phù hợp, chúng tôi sẽ đặt hàng nhập khẩu phần cơ khí! Khi đó, giá thành máy thêu công nghiệp Việt Nam sẽ cao hơn (song chắc chắn vẫn rẻ hơn nhiều so với máy ngoại); và bù lại chất lượng về mặt cơ khí sẽ cao hơn là sản xuất trong nước. Vấn đề chính khi ấy sẽ là: Nhập khẩu phần cơ khí, và thổi hồn Việt Nam (phần điện tử, điều khiển tự động) vào chiếc máy thêu công nghiệp của ta!'
Hồn Việt Nam ở trường hợp này, theo anh, trước hết là sự phù hợp với yêu cầu sử dụng của người Việt Nam: điều khiển bằng tiếng Việt có dấu (không phải tiếng Anh, cũng chẳng còn là... tiếng Việt không dấu). Bên cạnh đó, do nắm công nghệ trong tay nên có thể thực hiện theo yêu cầu của từng khách hàng: tích hợp phần mềm thiết kế mẫu thêu vào phần mềm điều khiển máy thêu, tạo ra khả năng đấu nhiều máy thêu vào chỉ một máy tính điều khiển, cho phép dùng máy tính để làm thêm những việc khác, chẳng hạn trao đổi mẫu thêu qua email... Những điều ấy, hiện chưa có hãng máy thêu hàng đầu nào của nước ngoài thực hiện!
Nếu có dịp đến thăm anh tại nhà riêng trên đường Lý Văn Phức, quận 1, TP.HCM, bạn sẽ có cơ hội được dùng thử cả phần mềm thiết kế mẫu thêu mới cùng chiếc máy thêu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Dĩ nhiên, máy này cũng chính là một... thí dụ sinh động về chuyện cơ khí ngoại, hồn Việt Nam mà anh đã thử nghiệm và đang hướng về, trong khuôn khổ một dự án lớn hoàn toàn mang tính cá nhân: thiết kế, chế tạo và cung cấp hàng loạt cho các doanh nghiệp may thêu trong nước.
Dự án hãy còn trong trứng nước, dĩ nhiên!
Dù sao, mai này nếu có một công trình biên niên sử về... phong trào 'thêu vi tính' ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ: Chắc chắn trên những trang giấy của công trình ấy, chúng ta sẽ lại bắt gặp cái tên kỹ sư Hồng Khắc Ái Nhân được ghi trang trọng, do những dấu ấn đặc biệt mà anh đã tạo nên, nhằm góp phần thúc đẩy 'phong trào', hay nói đúng hơn là sự nghiệp phát triển ngành thêu Việt Nam theo con đường hiện đại hoá, 'vi tính hoá'.
Kỹ sư Hồng Khắc Ái Nhân và chiếc máy thêu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam(ảnh chụp tại nhà riêng của anh). |
o Giám đốc Ban Thiết Bị công ty Dệt May Thành Công, 36 tuổi.
o Tốt nghiệp Khoa Cơ Khí Chế Tạo Máy (Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức - TP.HCM) năm 1991.
o Chủ yếu tự học về các công nghệ trong ngành dệt may, về lập trình và ứng dụng CNTT trong tự động hóa sản xuất.
o Tâm sự cùng bạn đọc trẻ Thế Giới Vi Tính:'Tôi rất lấy làm lạ vì đã gặp không ít kỹ sư trẻ lười...đọc tài liệu. Với tôi, ngay việc thiết kế thành công máy thêu công nghiệp Việt Nam phần lớn cũng là nhờ đã tự học các vấn đề liên quan qua sách vở tham khảo, nhất là qua Internet. Tri thức đến từ các tài liệu, và ngoại ngữ là cửa mở để vào cái kho tàng cực kỳ quý ấy. Rất mong các bạn sẽ giỏi hơn tôi nhiều!'
Hữu Thiện